3:01 11/02/13

Sang tháng mười một rồi. Trời dạo này ấm lên như một khởi đầu lạc quan của nửa còn lại học kỳ. Tuần trước tôi được nếm thử cái lạnh đầu mùa của Minnesota, được nếm thử mỳ ăn liền chán ngắt của Mỹ và được làm việc tại nhà thờ.

Trường tôi có cái nhà thờ be bé xinh xinh nằm chính giữa khuôn viên. Nhà thờ là nơi người theo nhiều đạo khác nhau có thể đến và cầu nguyện. Tôi làm công việc quản lý cơ sở vật chất (nghe nhạt nhưng mà chúng tôi tổ chức những party và sự kiện hot nhất trường ạ) và có dịp đăng ký làm thử vài buổi ở nhà thờ này. Làm ở nhà thờ có điểm là được ăn mặc đẹp, nên là có vest với cà vạt lụa từ nhà là cứ mang ra mặc. Ngày thứ nhất tôi làm một đám cưới, ngày hôm sau tôi trực một buổi tưởng niệm.

Đám cưới diễn ra trong hai tiếng.

Buổi tưởng niệm cũng vậy.

Đám cưới bắt đầu bằng bà nghệ sĩ đàn hạc mặc đồ đen đến sắp xếp thử sân khấu và mic. Tiếp sau bà là cha xứ mặc com-lê cà vạt và vài khác khứa bắt đầu đến sửa xoạn và ngồi vào chỗ. Ba mic đã được chúng tôi chuẩn bị sẵn từ hôm qua: một không dây cho cha và hai có dây cho đàn và hát. Cha từ tốn cảm ơn và hỏi về tôi. Tôi bảo tôi đến từ Việt Nam và đây là lần đầu dự đám cưới kiểu Mỹ. Cha tò mò hỏi đám cưới ở Việt Nam thế nào thì tôi cười bảo đám cưới ở Việt Nam dài một ngày, còn chuẩn bị và tiền sự kiện kéo dài cả tháng...

Buổi tưởng niệm bắt đầu với hoa và ảnh của người giáo sư quá cố trên bục. Những người khách đầu tiên là con gái của giáo sư và bạn bè của bà. Mọi người ăn mặc lịch sự nhưng không trang trọng. Họ hỏi về mic để đọc bài phát biểu...

Đám cưới nhận những lượt khách trong váy và vest đến lũ lượt. Họ bắt tay, cười và tán chuyện sôi nổi. Những cô phù dâu thì chạy nhảy chụp ảnh trên bãi cỏ còn những chàng phù rể thì nghich vài bộ phận âm thanh giả vờ beatbox. Có anh phù rể bế con thì đứng rất nghiêm túc và chỉ cười tiếp chuyện lịch sự...

Buổi tưởng niệm trước khi bắt đầu có những cái ôm vui mừng khi họ hàng bạn bè đồng nghiệp gặp lại nhau. Họ cười nhưng không lớn tiếng. Họ mang hoa đến và tặng gia đình. Họ kín đáo và nhẹ nhàng...

Đám cưới là khi cha xứ nói “Đừng vội thế Ryan” khi anh rể tưởng cha xứ đã phát biểu xong và hôn hụt cô dâu và cả khán phòng cười. Mọi thứ có tuần tự: đứng lên, nhạc, cô dâu bước đến dưới những cánh hoa hồng, hai người nắm tay, trao nhẫn, thắp nến, thề, giao ước, nắng bỗng tràn ngập khán phòng, rồi cuối cùng cũng hôn, vỗ tay, lại đứng dậy, cô dâu chú rể gặp từng người trong khán phòng để nhận những lời chúc và tán gẫu, những cô phù dâu lau nước mắt, những chàng rể fist punch, anh rể ôm đứa bé đấm một tay lên trời như trúng số. Mọi người cười nói và tất cả đều hạnh phúc. Chiều đầy nắng. Nắng trên những nụ cười, những khuôn mặt và nắng trên chiếc váy cưới.

Buổi tưởng niệm diễn ra sâu lắng. Từng người một đứng lên nói về kỷ niệm của họ với vị giáo sư đầy nhiệt huyết, yêu trẻ em và Halloween. Có người pha trò khiến mọi người vừa khóc vừa cười ôn lại khiếu hài hước của giáo sư khi bà đáp lại người bạn qua hộp thư thoại khi xe của bà đi vào đường hầm và mất sóng. Có người lau nước mắt nhưng đầy tự hào khi nói về người thầy đã giúp mình khôn lớn. Có người giọng nghẹn lại và kết thúc bài nói đột ngột vì không kiềm được nước mắt. Mỗi người đều có những cách riêng để tỏ lòng thành kính của họ đối với giáo
sư.

Tôi sẽ không nói về cưới tây cưới ta hay đám ma ta đám ma tây khác nhau như thế nào vì ai cũng biết rồi. Tôi chỉ muốn đề cập đến câu chuyện tình người. Người ta cưới nhau, kết đôi và hòa hợp, mong rằng sẽ ở bên nhau mãi mãi, sẽ sống trong nhau mãi mãi, sẽ trao cho nhau cả cuộc đời. Người ta mất đi cũng là lấy đi một phần của những người yêu quí họ: phần tình yêu người đó dành cho họ. Yêu bao nhiêu sẽ mất bấy nhiêu. Phải không? Hay yêu bao nhiêu là sẽ có nhiều từng nấy? Yêu nhau là sống trong nhau rồi mà, mà ra đi là rút luôn phần sống đấy trong người khác. “Anh ấy/cô ấy sẽ sống mãi trong lòng chúng tôi” thật ra là “anh ấy/cô ấy đã lấy đi một phần không thể bù đắp trong lòng chúng tôi, mãi mãi.”

Tôi nghĩ thế.

Vài hôm sau thằng bạn gay cùng tầng của tôi kể ông của nó là cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh. Vì nó kể với ông về tôi nên ông rất muốn gặp tôi. Ông chưa thấy người Việt Nam nào từ năm 1968. Hôm đi mua đồ ăn vặt cùng ông bà của thằng bạn, ông ôm tôi, một cái ôm dài và chặt. Ông nghẹn cả lời. Cái ôm này, tôi cảm nhận được, có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc đời của cả hai chúng tôi.

Ông hẹn bằng được một buổi nói chuyện với tôi thế là tôi ăn tối với nhà thằng bạn tại một khách sạn bên Bloomington gần Mall of America. Ông mang theo một quyển sổ bé bé xinh xinh và hỏi tôi một tỷ câu hỏi. Tôi trả lời lần lượt từng câu và buổi tối diễn ra trong những tiếng cười nói thân mật mà năm chục năm trước không thể nghĩ đến.

Người cựu chiến binh ấy tên John Yates từ Kentucky, TX. Ông đóng quân ở Quảng Trị và Cam Lộ năm 1968, sau trận tử chiến mùa xuân năm đó. Ông nội tôi cũng từng góp mặt trong trận chiến này nên tôi kể với John, và hẳn nhiên ông vỡ òa xúc động.

Ông kể với tôi cái lúc ông bước xuống khỏi trực thăng và nắng, gió và độ ẩm đánh thẳng vào mặt. “Tao tưởng tao gần chết rồi.” Ông ghét cái nóng hơn cả cuộc chiến tranh mất. Ông kể về những lần chạy trong rừng sượt qua quân Việt Cộng, những buổi trưa hè dùng nón sắt dội nước lên đầu, về bia và điếu thuốc ông đem cho vì ông không uống hay hút. Ông kể về lần ông đóng quân trên một nghĩa trang Việt Nam và khi đang trực đêm thì bị người dân đến bất bình đuổi. Tiểu đội được lệnh dời chỗ đóng quân và bù lại John và vài người khác đến giúp dân trồng lúa vài hôm. Ông kể lần đầu tiên ăn cơm với cá (đầu cá) và ông phải cố bỏ lại cái đầu cá mà cố không tỏ ra bất lịch sự.

Và chúng tôi chia tay để ông lái về Kentucky.John không ngờ rằng khi lên Minnesota thăm đứa cháu lại có một cuộc gặp gỡ ý nghĩa này. Lại một cái ôm nữa. Chúng tôi chụp ảnh. Ông hứa sẽ gửi thư về cho bố mẹ tôi vì ông đã xin địa chỉ tên tuổi bố mẹ và tôi cả rồi.

Chúng ta cứ sống, kết đôi, chết đi, và va vào đời nhau theo những cách không thể biết trước được. Những người bạn của tôi, mười tám mười chín tuổi, uống rượu, trượt pa-tanh, nói chuyện về chính trị và triết học, hút thuốc, học, làm tình, hát, tiệc tùng, pha trò, thức khuya, hôn, dùng máy tính, chửi bậy, đi làm, say xỉn, đi du học, thuyết trình, đi du lịch, nghiên cứu, đi dạy học cho trẻ em Châu Phi, dùng thuốc tránh thai, làm tình nguyện trên toàn thế giới, hút cần, thiết kế, chơi điện tử, viết luận án khoa học, đi mua sắm, về nhà, đi ngủ, đọc, ước mơ. Rồi sẽ đến ngày tôi nhìn khuôn mặt rặng rỡ của họ trong ánh nắng xuyên qua những tấm kính nhà thờ, khi họ mặc vét và váy cưới trắng muốt thướt tha, và cảm giác như mới hôm qua họ còn gặp nhau lần đầu trong những lớp học kinh tế. Rồi sẽ đến ngày hội bạn chúng tôi lại mất đi một đứa, và nó không chỉ mất có mình nó mà còn kéo theo cả một mảng trái tim chúng tôi và để lại một khoảng trống mang tên nỗi nhớ.

Người cựu chiến binh kia khi đang theo dõi World Series giữa St. Louis Cardinals với Detroit Tigers qua radio cùng với đồng đội trên một nghĩa trang Quảng Trị không thể biết rằng ông ấy sẽ có thể lấy đi một khoảng trống đó từ trái tim một thằng bé cháu của đối phương bờ bên kia vĩ tuyến bốn mươi nhăm năm sau.

Và kìa St. Louis lại thua và lần này là với Boston Red Sox!