- The government shutdown is like a pinprick

Và rồi Stephen Colbert lấy ra một cái kim và một quả bóng ghi chữ “Economy” rồi chọc thủng quả bóng đó bằng cái kim.

- See? A pinprick.

Colbert cầm mẩu còn lại của quả bóng “Economy” trên tay.

- The economy still exist!

Tôi và cả phòng cười. Sự mỉa mai của Stephen Colbert là một chuyện đùa mà tôi có thể hiểu được. Ở bên kia địa cầu, tại thời điểm mà sự đóng cửa thứ hai của chính phủ Mỹ đang diễn ra, tôi cảm nhận được mình đang sống trong một phần lịch sử ở đất nước này.

Tối nay tôi đi ăn tối ở nhà một cử nhân cùng với cả lớp. Bà cử nhân hỏi tôi câu này:

- So you’ve been traveling around pretty much. So where’s the top place you wanna go to?

- ...

Nơi mà tôi muốn đến nhất cả 18 năm qua là Mỹ. Bây giờ khi tôi ở đây rồi, nơi tiếp theo mà tôi muốn đến nhất là đâu? Chưa bao giờ tôi nghĩ về câu hỏi này cho đến hôm nay. Tôi trả lời bừa:

- Canada.

Cả bàn ăn cười sặc sụa.

[…]

Mỹ là đây, nơi mà nạn đói vẫn diễn ra hằng ngày, nơi mà chính phủ đang cố gắng thương thuyết giữa hai cánh, nơi mà sự chênh lệch giàu nghèo, phân biệt chủng tộc, và nhiều vấn nạn khác vẫn luôn tồn tại. Tất nhiên khó mà đòi hỏi nơi nào trên Trái Đất trở thành một Utopia được vì đó là điều gần như không thể. Tôi đã và đang chấp nhận những mặt trái của Mỹ và sống cùng nó, như tôi đã làm với Việt Nam.

Việt Nam.

Đâu đó xa xa bên kia chân trời là Việt Nam đó! Việt Nam nhìn thấy trăng khi nước Mỹ nằm trong ánh mặt trời. Việt Nam đi ngủ thì Mỹ uể oải dậy ăn trưa. Việt Nam xô bồ, nóng ấm và gần gũi. Mỹ khác.
Đang đi có khi đứng giữa đường tự hỏi “tôi đang làm gì ở cái chốn này thế này?” Ngủ dậy tờ mờ sáng thấy như Hà Nội một ngày gió mùa Đông Bắc, nghĩ bao giờ mới được thoát khỏi đây, còn bao nhiêu essay, phải gặp bao nhiêu người, để rồi choàng dậy là đã thấy mình nằm trong nước Mỹ từ khi nào rồi. Việt Nam, Việt Nam vang đâu đó xa xa, như dưới lớp đệm tôi đang nằm, xuyên địa cầu cả nghìn cây số, nơi có nắng, có gió, có độ ẩm, có bụi, có xe máy, có khói, có rác, có tắc đường, có chen lấn, có bạn bè, có gia đình, có nhà.

Có nhà.       

Nhà là căn chung cư trên tầng 5, mỗi sáng ngủ dậy đánh răng rửa mặt bỏ bữa sáng uống bịch sữa bấm thang máy bắt xe buýt đến đâu đó có ai đó đang chờ để đi đâu đó làm gì đó. Nhà là tối về chào ông bà vứt cặp check facebook ăn tối về phòng check facebook rửa bát check facebook làm gì đó có ý nghĩa rồi lại check facebook rồi nhắn tin rồi đi ngủ. Nhà là chỗ mà cả hè tôi nương tựa mà không đòi hỏi gì nhiều mà chỉ cần câu chào đi rồi chào về.

Đây hơi khác. Mỹ là ti hí mắt thấy còn tối thấy còn 6 giờ ngủ tiếp đến 8h vật mình dậy ôm khăn ôm quần áo co ro đi tắm, lạnh sởn da gà nhưng nước nóng cũng sởn da gà, để rồi da khỏi nhà vệ sinh đánh răng rửa mắt thấy khỏe lên chai đi để chống chọi với khí hậu nơi đây. Mỹ là không bỏ tiết nào học là phải học là phải học là phải học để học xong thì làm gì thì làm nhưng đã học là phải học. Mỹ là tối ôm sách vở về quần áo ướt vì mưa và vì nhảy, lao vào phòng check facebook rồi nấu mỳ lên ăn để bắt đầu ngồi đọc bài và học bài ngày mai.

Nhà là nơi bình yên nhưng nếu ở nhà mãi sẽ chẳng làm được gì cả. Mỹ là nơi để hiểu và sống trọn từng giây phút của cuộc sống này. YOLO.

Đọc lại thấy hơi sến, tôi đành viết bừa đi vậy.

Mặc gì hôm nay là một câu chuyện hơi dài ở đây. Không phải vì nghĩ mặc làm sao cho khỏi “quê” vì “quê” hay không phụ thuộc vào cách giao tiếp và suy nghĩ hơn là bề ngoài (may mắn thay tôi học trong cái trường khá liberal) Mặc thế nào cho mình cảm thấy tự tin, cho hợp với hoàn cảnh và cho… ấm là ba cái khó. Phối màu không cần quá đồng bộ, nhưng tránh nhiều màu. Giày thường chọn đôi nào cao lên 2 3 phân nếu thấy đao, nhưng nếu thoải mái thì Converse mà chiến. Mặc áo khoác, áo phông, áo polo, áo cardigan, áo gile, áo nào đi với nhau, thiếu phụ kiện gì, có nên thay hay nên bố trí làm sao cho mới, làm sao để cả năm đầu này thử nghiệm được tất cả mọi sự phối hợp xem cái nào thành công cái nào không. Mặc sao cho ấm là một thách thức. Không chỉ vứt quần áo lên người là xong, phải mặc sao cho hoạt động không bị gò bó, trông hợp lý mà vẫn đảm bảo ấm ở cái xứ mà dưới 10 độ thường xuyên này. Phát hiện ra chuẩn bị đồ mùa đông ở nhà thế là quá ít, thế là lại chắt chiu tiền tiêu vặt vào mua ủng mua thêm áo sau fall break và quỹ dành cho winter break ngày càng giảm dần.

Viết thêm sau vậy. Còn 30 trang nữa đọc nốt rồi đi ngủ.

Sắp xếp thời gian ngu quá rút kinh nghiệm.